Đo đạc bản đồ

CÔNG NGHỆ GNSS VÀ LƯỚI KHỐNG CHẾ TỌA ĐỘ QUỐC GIA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Tóm tắt: Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (Global Navigation Satellite System-GNSS) đã trở thành công nghệ chủ yếu dần thay thế các công nghệ đo đạc truyền thống trong việc xây dựng lưới khống chế trắc địa. Với sự phát triển về cấu trúc ứng dụng của công nghệ cùng với các phương pháp đo đạc như hiện nay, GNSS đã cung cấp các điều kiện để tạo nên những bước tiến quan trọng làm thay đổi quan niệm và dạng thức lưới khống chế tọa độ quốc gia.

1. Mở đầu
Từ trước đến nay, để triển khai công tác trắc địa và bản đồ, tất cả các nước đều thiết lập lưới khống chế tọa độ quốc gia về mặt bằng cũng như độ cao. Do khả năng công nghệ (đo góc, đo khoảng cách,…) lưới khống chế được phát triển qua nhiều cấp hạng để đảm bảo mật độ điểm cần thiết cho đo vẽ chi tiết. Với công nghệ truyền thống, lưới khống chế được hiện thực hóa bằng các điểm mốc (các cấp hạng) thiết lập cố định ngoài thực địa nên thường được gọi là lưới thụ động (passive). Tất cả các đo đạc trắc địa cũng như đo vẽ bản đồ được triển khai trên cơ sở lưới khống chế này. Theo thời gian và với sự phát triển vượt bậc của công nghệ GNSS, lưới khống chế thụ động đã tỏ ra có nhiều bất lợi. Việc thiết lập lưới khống chế thụ động là một công việc đồ sộ, tốn nhiều kinh phí và phải mất nhiều thời gian. Kinh phí để bổ sung điểm, bảo vệ mốc chiếm một phần không nhỏ. Vì vậy, trong thời gian gần đây khái niệm lưới khống chế tích cực đã được nhắc đến trong các tài liệu tham khảo. Một số nước đã triển khai lưới khống chế tích cực (active), một yếu tố cơ bản thay đổi về công nghệ trong trắc địa và bản đồ.
Nguyên tắc cơ bản của lưới khống chế tích cực là tập hợp các trạm GNSS thường trực (permanent station) mà lưới IGS (International GNSS Service) là một hình mẫu điển hình. Người sử dụng-triển khai các công việc trắc địa-với máy thu của mình tiến hành thu tín hiệu tại các điểm cần xác định. Việc xử lý số liệu có thể tiến hành bằng cách: Người sử dụng nhận các tệp số liệu đo (hoặc tệp số liệu hiệu chỉnh) từ các trạm hoạt động liên tục (như là điểm khống chế có toạ độ chính xác) xử lý cùng với số liệu của mình để tính toạ độ điểm cần xác định; hoặc gửi số liệu về trung tâm, sau đó sẽ nhận các kết quả xử lý theo yêu cầu.
Ở Việt Nam trong thời gian qua, công nghệ GNSS đã giúp cho việc nâng cấp độ chính xác, hoàn thiện, hiện đại hóa lưới tọa độ đã được thiết lập theo quan niệm truyền thống thành Hệ quy chiếu và hệ lưới điểm tọa độ quốc gia VN-2000. Đây là thành tựu đã được công nhận, đánh dấu một giai đoạn của khoa học trắc địa và bản đồ nước ta.
Trước thành tựu phát triển vượt trội của công nghệ GNSS trên thế giới, việc tiếp tục xây dựng lưới tọa độ trắc địa thuần túy bằng công nghệ GNSS thay thế lưới trắc địa truyền thống nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu hiện đại về tọa độ cần được đặt ra. Ứng dụng công nghệ GNSS mang tính toàn cầu, là thành phần cơ bản nhất của hạ tầng thông tin địa lý như một xu hướng đã được hình thành trên thế giới, bởi vậy chúng ta phải hòa nhập mà không có lựa chọn nào khác.
2. Sự thay đổi về cấu trúc ứng dụng GNSS
Hiện nay GNSS đã có các thay đổi cơ bản về mặt công nghệ thúc đẩy công tác định vị theo cách tiếp cận mới. Với quan niệm hiện nay, cấu trúc về ứng dụng của công nghệ GNSS được mở rộng, điều này được thể hiện ở hình 1.

Hình 1. Cấu trúc về ứng dụng của công nghệ GNSS
Ngoài hệ thống cơ sở (đoạn điều khiển, đoạn không gian) và đoạn sử dụng, cấu trúc mới hệ thống GNSS còn có sự tham gia của các hệ thống tăng cường khác. Hệ thống tăng cường cùng với cấu trúc cũ (đoạn không gian, đoạn điều khiển và đoạn sử dụng) cấu thành một hệ thống hoạt động hoàn hảo. Hệ thống tăng cường đã mở rộng các khả năng của GNSS trên các lĩnh vực: Tăng độ chính xác và độ tin cậy định vị, đảm bảo khả năng sẵn sàng đáp ứng các ứng dụng khai thác, tích hợp và kinh tế. Hệ thống tăng cường được hiểu là tất cả các cơ sở hạ tầng được thiết lập ngoài hệ thống cơ bản, là cầu nối giữa hệ thống cơ sở và đoạn sử dụng nhằm khai thác triệt để các khả năng, các thế mạnh của công nghệ GNSS. Cụ thể, hệ thống tăng cường vệ tinh địa tĩnh hoạt động trên cơ sở tín hiệu hiệu chỉnh phát đi từ vệ tinh vệ tinh (Satellite Based Augmenttation System- SBAS) hoặc hệ thống tăng cường mặt đất hoạt động trên cơ sở tín hiệu hiệu chỉnh phát đi từ mặt đất (Ground Based Augmenttation System-GBAS).
SBAS với hệ thống lưới giám sát và trung tâm điều khiển (phần lớn là độc lập với hệ thống cơ sở) mô hình hóa các nguồn sai số chủ yếu, từ đó gửi số liệu hiệu chỉnh lên vệ tinh địa tĩnh. Vệ tinh này có nhiệm vụ truyền các số liệu hiệu chỉnh cho các máy thu trên khu vực xác định ở mặt đất.
GBAS là hệ thống lưới giám sát, số liệu được các trung tâm thu thập rồi chuyển tới người sử dụng bằng phương tiện truyền tin mặt đất. Lưới thụ động, ví dụ như VN-2000 có thể coi là giai đoạn đầu của GBAS, hỗ trợ việc tích hợp thành quả đo GNSS vào hệ tọa độ VN-2000. Theo thời gian, GBAS phát triển theo hướng các luới điểm đo liên tục mang tính khu vực hoặc trong phạm vi quốc gia.
Tóm lại, hệ thống tăng cường là toàn bộ các phương tiện kỹ thuật nằm giữa phần hạ tầng cơ sở do nhà cung cấp công nghệ GNSS đảm nhận và người sử dụng cuối cùng (end-users), có thể gồm lưới tọa độ, mạng thông tin dữ liệu, thông tin hiệu chỉnh,… Người sử dụng cuối cùng không cần biết khung quy chiếu, lưới tọa độ, mạng thông tin hoạt động như thế nào, mà chỉ cần biết có thể tiếp cận được thông tin gì, bằng cách nào và chi phí bao nhiêu để tìm cách sử dụng cho mục đích xác định vị trí của mình với độ chính xác cần thiết và khả năng chi trả có thể. Tất nhiên, người sử dụng cuối cùng là người đo vẽ bản đồ địa hình bằng ảnh máy bay có nhu cầu khác với người đo vẽ bản đồ địa chính và cũng khác với người cung cấp dịch vụ dẫn đường cho giao thông,… Đây là cách thức tổ chức sản xuất có tính chuyên nghiệp rất cao và tạo thuận lợi nhất cho khu vực sử dụng.
Hệ thống tăng cường được xây dựng dựa trên năng lực của thiết bị, phần mềm và các phương pháp đo. Bên cạnh các phương pháp đo như đo tĩnh, đo tĩnh nhanh, đo động xử lý sau (hay còn gọi là đo động xử lý hậu kỳ), các phương pháp đo động thời gian thực (Real Time Kinematic-RTK) được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây. Ở nhiều nước, hệ thống tăng cường trên cơ sở lưới đo động thời gian thực đã được thiết lập và ứng dụng. Điều khác biệt cơ bản của phương pháp đo động mới này so với phương pháp đo động truyền thống là việc đo động dựa trên lưới các điểm cố định hoặc các điểm quy chiếu có quan trắc liên tục. Phương pháp RTK truyền thống sử dụng một trạm quy chiếu duy nhất, khoảng cách đo ngắm để giảm thiểu các sai số phụ thuộc vào khoảng cách như sai số của tầng điện ly, tầng đối lưu và sai số quỹ đạo đến kết quả định vị. Phạm vi hoạt động định vị phụ thuộc vào các điều kiện khí quyển và thường giới hạn trong phạm vi khoảng cách đến 10-20 km. Ngoài ra, các yếu tố dự phòng của các trạm quy chiếu không thường xuyên sẵn có trong trường hợp trạm quy chiếu này gặp phải bất kỳ trục trặc kỹ thuật nào (vì chỉ có 1 trạm quy chiếu). Sự hạn chế về khoảng cách từ trạm quy chiếu đến trạm di động trong định vị động thời gian thực có thể được khắc phục bằng việc sử dụng phương pháp được gọi là lưới đo động thời gian thực (Network Real Time Kinematic-NRTK), theo đó một lưới các trạm quy chiếu với phạm vi hoạt động lên đến 100 km được sử dụng. Lưới các trạm liên tục tập hợp các giá trị quan sát từ vệ tinh và gửi chúng đến trung tâm xử lý, tại đây các trị đo được xử lý trong quá trình bình sai tổng thể lưới và các sai số trong quá trình đo đạc và số hiệu chỉnh của chúng được tính toán. Các số hiệu chỉnh từ lưới được gửi đến người sử dụng hoạt động trong vùng phủ sóng của lưới để giảm thiểu các sai số. Với phương pháp đo động này, bài toán định vị

đã đạt được các thành quả khác biệt so với các phương pháp đo động truyền thống. Độ chính xác xác định vị trí điểm cỡ cm trên khoảng cách từ 20 đến 100 km.
3. Xu thế phát triển các phương pháp đo
Các phương pháp đo được hình thành và phát triển trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của GNSS. Theo thời gian, các phương pháp đo được kể đến là: Định vị tuyệt đối; DGPS (Differential Global Positioning System) hiệu chỉnh từ vệ tinh; DGPS hiệu chỉnh trên mặt đất; Đo tĩnh; Đo tĩnh nhanh; Đo động truyền thống; Đo động mới (đo động trong thời gian thực độ chính xác cao).
Nguyên lý các phương pháp trên đã được trình bày trong các tài liệu chuyên ngành. Ở đây, phương pháp đo động trong thời gian thực độ chính xác cao được trình bày do đây là phương pháp đo mới, có liên quan mật thiết với việc thiết lập lưới khống chế bằng công nghệ GNSS trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên tắc của NRTK bắt đầu với tất cả các trạm tham chiếu trong mạng này quan sát trực tuyến liên tục các vệ tinh bằng hệ thống phần mềm được cài đặt trên hệ thống máy chủ của NRTK trung tâm.
Mục đích của NRTK là để giảm thiểu ảnh hưởng của sai số phụ thuộc vào khoảng cách và vị trí được tính toán trong phạm vi giới hạn của mạng lưới. Phần mềm máy chủ của NRTK thực thi quá trình này bằng cách:
– Cố định số nguyên đa trị từ các vệ tinh (được quan trắc bởi các trạm quy chiếu) nằm trong lưới;
– Dùng tất cả các dữ liệu (hoặc một tập hợp dữ liệu) từ các trạm quy chiếu, tính toán các số hiệu chỉnh rồi gửi tới trạm di động.

Hình 2. Nguyên lý NRTK
– Trạm di động kết nối đến máy chủ NRTK thông qua liên kết truyền thông một chiều hoặc hai chiều (ví dụ như modem radio, GSM hoặc internet).

Khi máy di động nhận được dữ liệu NRTK sẽ tính toán vị trí của nó bằng cách sử dụng các thuật toán thích hợp.
Những thuật toán máy di động sử dụng và các sai số phụ thuộc khoảng cách được giảm thiểu phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp NRTK đang được sử dụng. Công nghệ sử dụng trong NRTK khác nhau (Flächen Korrektur Parameter- FKP, Virtual Reference Station-VRS,..) thì việc giảm thiểu các nguồn sai số trong quá trình đo đạc là khác nhau. Mỗi công nghệ sẽ dẫn đến sự khác biệt đáng kể về hiệu suất, độ tin cậy và độ chính xác cho máy di động.
Những lợi thế của NRTK nổi bật là:
– Không cần phải cài đặt một trạm cơ sở (base station);
– Độ chính xác vị trí điểm của máy thu di động đồng nhất hơn so với phương pháp đo động thời gian thực truyền thống;
– Độ chính xác được duy trì trên một khoảng cách lớn hơn giữa các trạm quy chiếu và máy di động so với phương pháp đo động trong thời gian thực truyền thống;
– Có nhiều trạm quy chiếu trong một khu vực đo đạc;
– Độ tin cậy cao, nhiều máy thu di động có thể nhận số cải chính cùng lúc.
* Một số phương pháp đo động trong thời gian thực độ chính xác cao
– Công nghệ trạm tham chiếu ảo (VRS) là công nghệ mang tính đột phá, với nguyên lý tích hợp các công nghệ cao như GNSS, công nghệ truyền thông và thông tin để đưa ra một giải pháp tiên tiến cho bài toán định vị không gian với thời gian ngắn nhất và chất lượng cao nhất. Khái niệm về trạm tham chiếu ảo dựa trên lưới các trạm tham chiếu GNSS hoạt động liên tục kết nối dữ liệu đến trung tâm điều khiển. Máy tính tại trung tâm điều khiển liên tục tập hợp các thông tin từ tất cả các máy thu tạo ra một cơ sở dữ liệu hiện thời của các nguồn sai số trong khu vực, chúng được sử dụng để tạo nên một trạm tham chiếu ảo ở vị trí chỉ vài trăm mét từ vị trí của bất kỳ một máy thu di động nào. Máy thu di động nhận và sử dụng dữ liệu của trạm tham chiếu ảo, kết quả là nâng cao hiệu quả làm việc của lưới đo động thời gian thực một cách rất ấn tượng. Khi nghiên cứu về hiệu quả và độ chính xác của công nghệ trạm tham chiếu ảo các lưới VRS thực nghiệm đã được thiết lập, một số kết quả tiêu biểu được kể đến là: Miền Nam nước Đức, khoảng cách giữa các trạm tham chiếu thì độ chính xác mặt bằng đạt khoảng 5 cm, ở Anh, Ireland, phía Bắc Apennines nước Ý, với khoảng cách 50 km độ chính xác mặt bằng đạt được cỡ từ 2 đến 3 cm, ở Thụy Điển khoảng cách 70 km độ chính xác mặt bằng đạt được cỡ từ 1.5 cm,… Như vậy, công nghệ VRS là một giải pháp tốt, tiết kiệm việc xây dựng lưới khống chế trắc địa, tăng hiệu quả công tác đo vẽ chi tiết ngoại nghiệp đỡ tốn kém về mặt kinh phí mà vẫn đạt yêu cầu, giúp cho việc đo đạc được nhanh chóng hơn.
– Công nghệ hiệu chỉnh các tham số khu vực (FKP) là công nghệ GNSS RTK có sớm nhất (Wubenna et al, 1996). Công nghệ này sử dụng thông tin từ các trạm quy chiếu của lưới để có được các tham số tuyến tính mô tả các sai số do ảnh hưởng của quỹ đạo và của tầng khí quyển. Các tham số này sau đó được truyền đến người sử dụng để nội suy các sai số của lưới ở vị trí thực tế của điểm đặt máy, từ đó tính ra tọa độ chính xác. Hình vẽ 3 mô tả 4 trạm quy chiếu với các

Sai số về mặt bằng tương ứng. Trục X-kinh độ, trục Y-vĩ độ, trục Z-độ lớn của các sai số. Ứng với mỗi diện tích khu vực sẽ có giá trị của các tham số tương ứng, mỗi khu vực được đánh dấu trong một màu khác nhau cho mỗi trạm quy chiếu như trong hình vẽ. Khi các máy đo hoạt động trong hệ thống thì sẽ nhận được các tham số của trạm quy chiếu gần nhất.
Công nghệ FKP có thể được sử dụng cách khác, đó là trạm di động nhận được các tọa độ của các trạm quy chiếu từ hệ thống thông tin liên lạc truyền dữ liệu. Điều này đặc biệt hữu hiệu trong một lưới rộng lớn khi mà người sử dụng làm việc trên diện rộng với các trạm quy chiếu khác nhau gần đó. Nếu vị trí của các trạm quy chiếu đã biết, trạm di động sẽ lựa chọn các số hiệu chỉnh khu vực
phù hợp nhất. Các tham số khu vực được Hình 3. Công nghệ FKP
coi là tuyến tính giới hạn trong phạm vi hoạt động khoảng 100 km. Công nghệ FKP đã được áp dụng cho lưới đo động thời gian thực ở nhiều nơi trên thế giới, hiệu quả của nó đã được chứng minh và khẳng định.
Như vậy, lưới kết hợp với các công nghệ đo động độ chính xác cao hiện nay đã cho phép nới rộng khoảng cách từ các trạm quy chiếu cố định đến các trạm động. Bên cạnh đó, các thế hệ máy trắc địa đã có những bước phát triển đột phá, máy GNSS-toàn đạc điện tử khi sử dụng trong đo vẽ bản đồ cho phép người sử dụng xác định được tọa độ tức thời của trạm máy. Điều này cho thấy công nghệ đo vẽ bản đồ đã bước sang một giai đoạn mới. Việc sử dụng các công nghệ nói trên để phát triển lưới khống chế sẽ tiết kiệm chi phí khá nhiều.
4. Quan điểm mới về lưới khống chế trắc địa quốc gia
Lưới khống chế trắc địa theo quan điểm mới là lưới điểm trắc địa tích hợp, dựa trên cơ sở hạ tầng trắc địa hiện có của mỗi quốc gia kết hợp với công nghệ GNSS để khai thác hiệu quả nhất cho thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học. Mạng luới này được xây dựng dựa trên nguyên tắc:
– Lưới phải bền vững và lâu dài;
– Có mật độ điểm hợp lý, có dữ liệu trong hệ thống quy chiếu mặt phẳng,
độ cao và trọng lực;
– Là cơ sở cho hệ quy chiếu trắc địa quốc gia;
– Đáp ứng được các ứng dụng khi áp dụng các công nghệ trắc địa hiện đại.
Như vậy, lưới khống chế trắc địa theo quan điểm mới đảm bảo được các khả năng cung cấp dữ liệu về hình dáng, kích thước, trường trọng lực Trái đất cũng như sự biến động của các đại lượng này theo thời gian. Lưới này có các nhiệm vụ sau:
– Dẫn đường (navigation) và theo dõi (tracking): Sai số cỡ mét.
– Đo vẽ bản đồ: Sai số vị trí điểm cỡ centimét.
– Nghiên cứu, xác định chuyển dịch của vỏ Trái đất: Sai số cỡ milimét.
– Hỗ trợ nghiên cứu tầng khí quyển,…

* Nhiệm vụ dẫn đường và theo dõi.
Để đáp ứng độ chính xác này, phương pháp đo tuyệt đối có thể được thực hiện. Trước đây, với phương pháp tuyệt đối, vị trí điểm có thể đạt được độ chính xác cỡ 100 mét. Từ sau ngày 2/5/2000, sau khi dỡ bỏ chế độ SA, độ chính xác vị trí điểm được cải thiện đáng kể và có thể đạt được cỡ 10 mét. Đối với nhiệm vụ yêu cầu độ chính xác cao hơn, áp dụng phương pháp DGPS vị trí điểm có thể đạt được độ chính xác khoảng 1 đến 3 mét.
* Nhiệm vụ đo đạc bản đồ cơ bản.
Thành quả cuối cùng của công tác trắc địa là xác định vị trí điểm đáp ứng các yêu cầu của công tác đo đạc bản đồ cơ bản. Theo công nghệ truyền thống, do những hạn chế về thiết bị, công nghệ, độ chính xác,… nên để đảm bảo cho các công tác lập bản đồ, lưới trắc địa quốc gia được xây dựng và phân thành nhiều cấp hạng. Lưới khống chế trắc địa quốc gia của Việt Nam bao gồm GPS cấp “0”, hạng I, hạng II, hạng III Nhà nước. Để phục vụ trực tiếp cho việc đo vẽ bản đồ (ví dụ như bản đồ tỷ lệ 1:500), lưới Nhà nước được phát triển tiếp thành lưới giải tích 1, giải tích 2 và từ đó lưới lại được chêm dày hơn để có mật độ điểm cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc đo vẽ bản đồ-lưới khống chế đo vẽ. Như vậy, lưới khống chế tọa độ phục vụ cho đo vẽ bản đồ gồm nhiều cấp, hệ số suy giảm độ chính xác giữa hai cấp lưới liên tiếp ký hiệu là K, theo quy phạm hệ số K thường trong khoảng 2 đến 2,5. Lưới khống chế cấp cuối cùng có độ chính xác thấp nhất và có mật độ đủ dày được sử dụng làm điểm trạm đo khi đo vẽ chi tiết. Độ chính xác của lưới khống chế cấp cuối cùng chịu tác động tổng hợp của sai số đo của tất cả các cấp lưới khống chế được xây dựng và sai số vị trí điểm của cấp khống chế cuối cùng có ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của kết quả đo vẽ.
Với công nghệ GNSS như hiện nay toàn bộ quá trình trên được bỏ qua. Việc thiết lập lưới các trạm đo liên tục với mật độ thích hợp, trung tâm xử lý số liệu, hạ tầng trao đổi thông tin thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc đo vẽ chi tiết với sai số về vị trí mặt bằng và độ cao cỡ cm. Tất nhiên với một số nhiệm vụ đặc biệt yêu cầu độ chính xác cỡ mm, trong điều kiện đo đạc gặp nhiều khó khăn thì có thể tăng dày điểm từ các trạm đo liên tục sau đó lựa chọn phương án đo thích hợp để đạt được yêu cầu của bài toán.
* Nhiệm vụ nghiên cứu, xác định chuyển dịch hiện đại của vỏ Trái đất.
Yêu cầu độ chính xác của việc nghiên cứu, xác định chuyển dịch hiện đại của vỏ Trái đất rất cao (mm hoặc nhỏ hơn), vì vậy chỉ có thể áp dụng phương pháp đo tĩnh, ca đo dài, xử lý sau (xử lý hậu kỳ). Để đáp ứng nhiệm vụ này có thể thiết lập lưới khu vực và tổ chức các đợt đo theo chu kỳ. Tuy vậy, phương pháp tối ưu và có hiệu quả lâu dài là một số trạm đo liên tục trong lưới khống chế trắc địa quốc gia đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu địa động lực.
* Hỗ trợ nghiên cứu tầng khí quyển.
Bên cạnh ý nghĩa hình học, số liệu GNSS còn mang ý nghĩa vật lý. Kết quả đo khoảng cách từ vệ tinh đến máy thu phụ thuộc vào tầng khí quyển. Với tọa độ chính xác của ăng ten và vệ tinh cho phép xác định được các tham số liên quan đến tầng điện ly và tầng đối lưu. Các tham số này thay đổi liên tục theo thời gian và không gian, bởi vậy lưới các trạm đo liên tục là công cụ hữu hiệu nghiên cứu tầng khí quyển.

5. Kết luận
Trong tương lai gần, hệ thống (lưới) mốc truyền thống sẽ dần được thay thế bằng lưới khống chế tọa độ có các thành phần:
– Hệ định vị toàn cầu: GPS, GLONASS, GALILEO,… với vai trò duy trì khung quy chiếu, khung tọa độ cho lưới quốc gia hình thành từ trạm đo liên tục.
– Hệ thống tăng cường: Các trạm đo liên tục được phân bố thích hợp với cơ sở hạ tầng thông tin cung cấp cho người sử dụng các số liệu cần thiết (các tệp trị đo, trị hiệu chỉnh) để định vị điểm đáp ứng các yêu cầu công việc cụ thể.
Như vậy, với công nghệ GNSS, hình thái, cấu trúc lưới khống chế tọa độ quốc gia đã thay đổi căn bản, hay nói cách khác, chúng ta đang trên đường đi tới khái niệm “Trắc địa không lưới”. Bản chất của mô hình lưới tọa độ quốc gia này là không cần công đoạn tăng dày điểm, bỏ qua các loại mốc cấp hạng trung gian, sử dụng phương pháp đo động thời gian thực theo mô hình đảm bảo độ chính xác cỡ cm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đo vẽ chi tiết trực tiếp.
Tất nhiên, cũng cần phải xem xét đến mối quan hệ giữa lưới khống chế thụ động và lưới khống chế tích cực. Một điều có thể khẳng định, việc phát triển lưới khống chế tích cực là xu thế của thời đại, lưới tích cực sẽ dần thay thế vai trò của lưới thụ động. Tuy vậy, đối với từng nước trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc triển khai lưới tích cực với việc sử dụng các mốc của lưới thụ động cần được cân nhắc và có các bước thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về kinh tế cũng như kỹ thuật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Dự án Hoàn chỉnh Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam.
2. Bộ Tổng Tham Mưu-Cục Bản Đồ (2008), Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quân sự. Hệ thống và giải pháp công nghệ.
3. Bùi Thị Hồng Thắm (2010), Sự cần thiết của việc hiện đại hoá lưới khống chế Trắc địa ở Việt Nam và những ưu thế cơ bản của trạm tham chiếu quan trắc liên tục CORS, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 14 (100), tr. 52-53.
4. Bùi Thị Hồng Thắm, Cao Minh Thủy (2011), Các hệ thống định vị vệ tinh và tương lai của các máy thu GNSS, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 15 (125), tr. 18-20.
5. Bùi Thị Hồng Thắm (2014), Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc hiện đại hóa lưới khống chế trắc địa quốc gia ở Việt Nam bằng hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GNSS. Luận án Tiến sĩ kỹ thuật Trắc địa-Bản đồ.
6. Tổng cục Địa chính (1999), Xây dựng hệ quy chiếu và hệ thống điểm tọa độ
quốc gia, Báo cáo khoa học.
7. TS. Trần Hồng Quang và nkk (2008), Luận cứ khoa học – công nghệ hoàn thiên và phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ mặt đất để khai thác ứng dụng hệ thống

vệ tinh dẫn đường toàn cầu (Global navigation satellite system – GNSS) ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
8. Arianna Pesci, Fabiana Loddo, Nicola Cenni, Giordano Teza, Giuseppe Casula (2008), Analyzing virtual reference station for GPS surveying: experiments and applications in a test site of the northern Apennines (Italy), Annals of geophysics, Vol. 51 (4). pp. 619-631.
9. Audrey Martin, Eugene McGovern (2012), An evaluation of the performance of network RTK GNSS services in Ireland, FIG Working Week 2012.
10. Gabriel Bădescu, Ovidiu Ştefan, Rodica Bădescu, Mircea Ortelecan, Samuel Ioel Veres (2011), Positioning system GPS and RTK VRS type, using the internet as a base, a network of multiple stations, FIG Working Week 2011.
11. Günther Retscher (2002), Accuracy performance of virtual reference station (VRS) networks, Journal of Global Positioning Systems, Vol. 1. pp. 40-47.
12. György Busics, Róbert Farkas (2006), GNSS technology developments in point position fixing in Hungary, XXIII FIG Congress
13. http://smartnetaus.com/home/index.php?q=node/32, RTK Networks: An Introduction.
14. Lars Jämtnäs, Johan Sunna, Ragne Emardsson, Bo Jonsson (2010), Quality assessment of network-RTK in the SWEPOSTM network of permanent GNSS stations, XXIV FIG International Congress.
15. Pasi Hakli (2004), Practical test on accuracy and usability of virtual reference station method in Finland, FIG Working Week 2004.
16. Stuart Edwards, Peter Clarke, Sibylle Goebell, Nigel Penna (2008), An examination of commercial network RTK GPS services in Great Britain, School of Civil Engineering and Geosciences Newcastle University.

LIÊN HỆ