Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) và để Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững, bài viết tập trung vào các vấn đề nhận diện đặc điểm cấu trúc cảnh quan tự nhiên, trên cơ sở đó điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị theo hướng cân bằng giữa cấu trúc cảnh quan tự nhiên và cấu trúc không gian đô thị và tất nhiên phải phù hợp với nhu cầu hoạt động của cư dân đô thị cũng như có khả năng thích ứng với những biến đổi trong quá trình phát triển của đô thị Đà Nẵng.
Đô thị biển gắn với các lợi thế là cửa ngõ giao thương và kinh tế biển, nên thường có chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành. Có nhiều đô thị biển trên thế giới đã chứng tỏ vị thế và tầm quan trọng của mình trong phát triển kinh tế, xã hội và trở thành biểu tượng của quốc gia. Không ít trong số đó còn mang tầm vóc khu vực hoặc quốc tế.
Trong quá trình phát triển, mỗi nước đều hoạch định chiến lược phát triển hệ thống các đô thị ven biển gắn với các khu kinh tế tổng hợp như là những động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa của quốc gia.
Đà Nẵng nằm bên bờ bên bờ biển Đông và sông Hàn, hội tụ đủ các lợi thế về cảnh quan tự nhiên và văn hóa cùng các yếu tố địa kinh tế và chính trị quan trọng để có thể phát triển thành một thành phố biển quan trọng của Việt Nam, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng, một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng: Từ “cổng trời” Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước – Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà tráng lệ. Nếu đứng từ “cổng trời” Hải Vân, nhìn xuôi về phía Nam nơi con sông Hàn chảy qua, đổ vào vùng cửa vịnh Đà Nẵng (với khoảng 30 km bờ biển có nhiều bãi biển đẹp) mới cảm nhận hết vẻ quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố này… Hơn nữa, Đà Nẵng lại nằm giữa vùng kề cận ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển.
Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa – Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã phát triển mạnh và tương đối thành công. Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian, đô thị Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam. Trước mắt, ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu – Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành). Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị tứ và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng… Phát triển các khu du lịch Nam Ô, Xuân Thiều, Mĩ Khê, Bắc Mĩ An (Furama), Non Nước…
Tuy nhiên, trong thực tế, còn có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này. Bởi Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá “bạo”, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Hệ thống khung thiên nhiên không được bảo toàn một cách tốt nhất, các yếu tố cây xanh, mặt nước (biển, sông, hồ) chưa được khai thác có hiệu quả. Cấu trúc đô thị chưa hẳn đảm bảo để phát triển bền vững… Liệu Đà Nẵng có mắc phải những tồn tại giống như các đô thị khác (Nha Trang, Vũng Tàu)… khi mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển, tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình (dịch vụ du lịch khách sạn, nhà hàng)? Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng, kiến trúc đôi bờ sông Hàn ở đâu, nhất là kiến trúc trên tuyến đường mới mở dọc theo hai bờ sông Hàn và ven biển ở phía Đông, có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng? Có phải biểu tượng là kiến trúc công trình tòa nhà Hành chính tập trung?… Các dự án qui hoạch đô thị, du lịch (nhất là du lịch) có bị án ngữ mặt tiền của biển, ngăn cách làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể chung, cản trở việc tiếp cận của cộng đồng dân cư với biển, hoặc việc các công trình cao ốc, khách sạn, nhà hàng cao hàng chục tầng, dày đặc đã, đang và sẽ mọc lên bên bờ biển, vô tình sẽ tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị và gây mất mỹ quan cho mặt tiền của biển như các công trình kiến trúc cao tầng trên tuyến đường Trần Phú, TP. Nha Trang hiện nay?…
Về lý thuyết, cấu trúc không gian đô thị hình thành trên cơ sở xác định đúng các động lực phát triển đô thị, nói cách khác là các yếu tố tạo thị. Đây là kết quả của tư duy chiến lược vùng với tầm nhìn vĩ mô. Tuy nhiên, trong tổ chức không gian đô thị cụ thể thì, nhận dạng đúng và phát huy được các giá trị cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương – một tài nguyên như là động lực phát triển của đô thị, góp phần định dạng hình thái không gian đô thị hiện đại và bản sắc (Bỏ qua những cấu trúc không gian đô thị được hình thành bằng ý chí của con người).
Đối với trường hợp TP Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Những vấn đề chính cần chú trọng là:
– Chiến lược phát triển. TP Đà Nẵng trong môi trường phát triển mới, nhất thiết phải xác định được các chiến lược phát triển không gian gắn với tầm nhìn. Cần phải đảm bảo rằng các chiến lược và việc thực hiện chúng là công cụ, phương tiện thực hiện thành công khát vọng về Tầm nhìn, Ý tưởng, Cấu trúc tổng thể đô thị… Theo đó, chiến lược và các chính sách phát triển TP. Đà Nằng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các TP lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhât là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của TP Đà Nẵng trong vùng và cả nước (NQ số 43-NQ/TW). Trong đó cần chú trọng:
(i) Xây dựng TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế – Đà Nằng – Chu Lai – Kỳ Hà – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn; Xác định các mối quan hệ trong chia sẻ không gian, chức năng, kết nối hạ tầng một cách đồng bộ, hữu cơ với vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô/Thừa Thiên Huế) – Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An – Nam Hội An (NQ số 43-NQ/TW);
(ii) Bảo tồn, coi trọng “Cấu trúc cảnh quan tự nhiên” – trụ cột của phát triển môi trường bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng Đà Nẵng trở thành TP xanh thông minh;
(iii) Ưu tiên dành quĩ đất để phát triển các khu chức năng, các đầu mối hạ tầng kĩ thuật mang tính vùng, quốc gia, quốc tế; các khu chức năng đô thị đặc sắc, sinh động, hấp dẫn, các trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, du lịch… (là các nhân tố tạo dựng đô thị trung tâm cấp vùng, đô thị biển) trong cấu trúc đô thị;
(iv) Xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ưu, phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng với qui mô dân số 2,5 triệu người vào năm 2030; Mở rộng, khai thác hiệu quả quĩ đất; dự trữ nguồn tài nguyên đất đai dành để phát triển trong tương lai;
(v) Tăng cường hệ thống, phương tiện giao thông công cộng đô thị theo hướng xanh, thông minh, thân thiện với môi trường; các kết nối nhanh, thuận tiện, an toàn (đường bộ, đường thủy, đường hàng không) gắn kết Đà Nẵng với vùng phụ cận, khu vực và quốc tế…
(vi) Đà Nẵng cần tiếp cận phương pháp Qui hoạch cấu trúc chiến lược trên cơ sở kết hợp các lí luận về qui hoạch chiến lược và qui hoạch cấu trúc để giải quyết các vấn đề văn hóa, thể chế và công nghệ, kết hợp với các vấn đề mang tính kinh tế – xã hội, sinh thái và không gian. Đây là một quá trình mang tính xã hội với mục tiêu định dạng không gian cho một tầm nhìn, bên cạch các công việc cần giải quyết (mang tính hành động) ngắn và trung hạn. Phương pháp này bao gồm cả các yếu tố cộng đồng và sự hợp nhất, phối hợp đa ngành để giải quyết các vấn đề chung hoặc chuyên ngành của đô thị…
– Khai thác hiệu quả đặc điểm cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Đà Nẵng có đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng; có hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên; có hệ sinh thái ven biển gắn với giá trị đặc sắc từng vùng văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng xưa. Đây là hệ khung thiên nhiên cơ bản có giá trị không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong đô thị. Hệ khung thiên nhiên cơ bản này sẽ là nền tảng để duy trì, phát triển “Hệ thống cấu trúc xanh” (gồm đặc điểm địa hình, cây xanh và mặt nước) trong cấu trúc tổng thể của TP Đà Nẵng;
Đặc điểm các thành phần cảnh quan tự nhiên có thể nhận biết thông qua yếu tố địa hình và các tài nguyên tự nhiên mà Đà Nẵng sở hữu. Đó là (i) khu vực đồng bằng ven các con sông; (ii) khu vực ven biển (Đông, phía Đông Nam) và (iii) khu vực đồi núi (phía Tây).
– Đối với khu vực đồng bằng ven các sông, đặc biệt là ven sông Hàn, do nằm ở cửa sông (đổ ra vịnh Đà Nẵng) có nhiều thuận lợi về đất đai, cốt nền xây dựng, lại gắn kết thuận lợi về đường bộ, hàng không, đường thủy trong nước và quốc tế… Là vùng đất nền móng để lựa chọn xây dựng TP Đà Nẵng từ thuở ban đầu. Đây chính là khu vực đô thị lõi lịch sử của TP Đà Nẵng hiện nay;
Riêng đối với khu vực đồng bằng ven các con sông Cẩm Lệ, Đô Tòa (phía Nam thành phố), thực tế là vùng sinh thái lưu vực các con sông này… Và mới được đưa vào cấu trúc đô thị của thành phố trong những lần qui hoạch gần đây… Do là vùng đất mới lại chưa có điều kiện để phát triển, lấp đầy theo qui hoạch, nên có điều kiện để xem xét, nghiên cứu điều chỉnh về mô hình, cấu trúc, các chỉ tiêu phát triển trong qui hoạch TP lần này.
– Đối với khu vực ven biển (Đông, phía Đông Nam/quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn). Là vùng đất gắn với cảnh quan sinh thái biển. Là khu vực với chức năng thương mại, du lịch, vui chơi giải trí nằm trong cấu trúc đô thị Đà Nãng đã được phê duyệt… Tuy nhiên, để khai thác tốt yếu tố cảnh quan biển tương xứng với vai trò, vị thế của một đô thị biển tầm cỡ châu Á, có thương hiệu, Đà Nẵng có cơ hội để rà soát, xem xét lại một số khu vực ven biển để có giải pháp tái cấu trúc lại hợp lí, hiệu quả hơn;
– Khu vực đồi núi (phía Tây). Là vùng đất có địa hình cao ráo, cảnh quan tự nhiên đa dạng (cây xanh, sông, suối), lại chưa được nghiên cứu khai thác nhiều. Trong điều chỉnh qui hoạch lần này, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các khu đô thị mới, trung tâm mới (có tính chất vệ tinh, tương đối độc lập), mở rộng không gian TP về phía Tây, giảm sức ép vào khu vực trung tâm TP (đang có nguy cơ quá tải).
Việc duy trì, bảo vệ tối đa, khai thác có hiệu quả các đặc điểm vùng cảnh quan, mặt nư¬ớc các con sông, mặt nước ven biển/ nhất là diện tích mặt nước ven biển; vùng sinh thái nông, lâm nghiệp phía Bắc, Tây TP/ là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị/tạo dựng hình ảnh đô thị biển đặc sắc có giá trị.
– Cấu trúc không gian đô thị. Lấy yếu tố cảnh quan tự nhiên (mặt nước – biển, sông, đầm, hồ, núi và đồng bằng) làm trụ cột chính để lựa chọn cấu trúc không gian và tổ chức không gian đô thị phù hợp với Đà Nẵng. Và như vậy, hướng nước như là một trong những nguyên tắc lựa chọn cấu trúc không gian và tổ chức không gian đô thị Đà Nẵng. Nguyên tắc này chi phối việc lựa chọn, trước hết: Quy mô và hình thức các đơn vị đô thị khác nhau tùy thuộc vào vị trí cụ thể.
Theo đó, cấu trúc không gian đô thị tổng thể gồm khu vực đô thị lõi lịch sử; trục cảnh quan sông Hàn – trục hành chính, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, lịch sử, đào tạo, TDTT; Các khu trung tâm dịch vụ, tài chính, du lịch, nghỉ ngơi giải trí chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, một phần vòng cung vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà… (Trong đó nhấn mạnh các trục không gian ven biển phía Đông, vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân; trục không gian hai bờ sông Hàn, Cẩm Lệ, Đô Tòa…); Tạo dựng các trục cảnh quan theo lưu vực các con sông Cu Đê, Cổ Cò…; Hoàn thiện, mở rộng qui mô, tăng cường chất lượng hoặc xây dựng mới để nâng cao hiệu quả các khu có chức năng là đầu mối vùng (như công nghiệp, TTCN, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, logistic…). Với cấu trúc này cần xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ưu, phù hợp với tầm nhìn của TP Đà Nẵng.
Thiết lập nhiều không gian mở, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước trong lòng đô thị, tạo dựng nhiều nêm xanh hướng biển (khu vực phía Đông/Quận ba, Đông Bắc/Vòng cung vịnh Đà Nẵng/Trên cơ sở rà soát lại một số dự án phát triển du lịch ven biển).
– Điều chỉnh qui hoạch phát triển khu vực phía Đông TP. Ở giai đoạn trước mắt, Đà Nẵng cần rà soát các dự án phát triển đô thị, du lịch (Nhất là các dự án du lịch)…chậm triển khai làm cơ sở tái cấu trúc lại qui hoạch vùng phía Đông ven biển, trên nguyên tắc tạo ra được các tuyến không gian mở/không gian xanh hướng biển (để dẫn được nhiều luồng sinh khí và năng lượng cho đô thị), phá bỏ sự ngăn cách giữa cảnh quan, môi trường biển với không gian đô thị phía trong, đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng, thích ứng với BĐKH, NBD. Kiên quyết không sử dụng giải pháp lấn biển để phát triển du lịch, đô thị… Cụ thể:
+ Mở tuyến đi bộ (mặt cắt không cần lớn) – đây là tuyến cảnh quan ven biển song song với tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa. Tuyến này được bắt đầu từ bãi tắm T20, suôi về phía Nam giáp với địa phận Điện Nam
– Điện Ngọc (Quảng Nam) để kết nối với Hội An sau này;
+ Mở các tuyến không gian xanh/lối xanh kết nối đô thị với biển tại các vị trí:
(i) Tuyến AH17 (vuông góc với đường Trường Sa) kéo dài hướng ra biển;
(ii) Tuyến Minh Mạng (vuông góc với đường Trường Sa) kéo dài hướng ra biển;
(iii) Khu vực Ngũ Hành Sơn;
(iv) Bãi Non Nước;
(v) BRG Đà Nẵng Golf Resort…
Giải pháp này thông qua “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” trong cấu trúc tổng thể đô thị sẽ tạo ra vành đai xanh ven biển kết hợp với lối xanh (tuyến đi bộ – cảnh quan) và các không gian xanh/không gian mở ven biển.
+ Giảm mật độ xây dựng tại các dự án phát triển du lịch, tăng độ thông thoáng để có cơ hội tiếp cận cảnh quan biển bằng thị giác thông qua các ranh giới xanh/ tường rào xanh của các khu du lịch và tiếp cận trực tiếp thông quan các tuyến không gian xanh/ lối xanh kết nối giữa đô thị và biển.
+ Chính quyền đô thị, các chủ đầu tư và người dân cần có sự trao đổi và đông thuận về việc tái cấu trúc lại qui hoạch vùng phía Đông ven biển, trên cơ sở lợi ích chung bền vững vì một tương lai của một đô thị biển đáng sống, đẳng cấp châu Á.
– Phát triển xây dựng kiến trúc cao tầng trong đô thị. Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển chịu nhiều tác động lớn khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Bởi việc xây dựng này sẽ nhanh chóng mang đến một diện mạo kiến trúc cảnh quan mới, được coi là hiện đại mà trước đây đô thị không có được (Tuyến đường Trần Phú của TP Nha Trang là một ví dụ). Trong điều chỉnh QHC TP Đà Nẵng lần này có thể xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao…Và có thể áp dụng mô hình “đô thị nén/mật độ cao” hoặc khả năng điều chỉnh cao tầng theo mô hình TOD ở một số vị trí được lựa chọn cụ thể, trong đó có khu vực trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và khu vực ven biển (Phía Tây các tuyến đường Hoàng sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị. Tuy nhiên, phải trên quan điểm bảo vệ, khai thác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị, đảm bảo các yêu cầu về an toàn bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng (khu vực hành lang kĩ thuật “tĩnh không đầu và không sườn” của sân bay). Một điều quan trọng là cần lưu ý việc xây dựng nhà cao tầng ven biển có thể vô tình sẽ tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị và gây mất mỹ quan cho mặt tiền của biển như bài học của TP Nha Trang đã cảnh tỉnh…
– Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để quản lí không gian kiến trúc cảnh quan ven biển. Để quản lí tốt không gian kiến trúc cảnh quan ven biển nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, trong bài viết này chí xin đưa ra ba ví dụ điển hình (mang tính nguyên tắc) là trường hợp của các nước Cộng hòa Cu Ba, Cộng Hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kì để cùng suy ngẫm và trao đổi.
(i) Luật Quản lý hoạt động ở khu vực bờ biển của Cộng hòa Cuba (Luật 212-2000)
+ Việc sử dụng bờ biển là tự do, công cộng và miễn phí cho các sử dụng chung hợp với thiên nhiên như dạo chơi, lưu trú, tắm biển, câu cá, bơi thuyền;
+ Yêu cầu có lối tiếp cận bắt buộc với bờ biển (Các công trình, thiết kế hoặc các hoạt động diễn ra trong khu vực bờ biển phải đảm bảo lối vào (đường vào) khu bờ biển và khu bảo vệ từ đường giao thông công cộng gần nhất);
+ Nhấn mạnh đến quản lý các hoạt động xây dựng ven biển (không xây dựng trong phạm vi bờ biển), bảo vệ môi trường sinh thái;
(ii) Luật Quản lý vùng duyên hải Cộng hòa Pháp
+ Đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện xây dựng ven biển: Khoảng cách từ mép nước đến công trình xây dựng (100m);
+ Lối đi công cộng bắt buộc dọc bãi biển…